Helen Keller: Ánh sáng từ trong bóng tối

 


Helen Keller là một nhà văn, nhà hoạt động chính trị và diễn giả người Mỹ nổi tiếng khi đã vượt qua những thách thức to lớn do mất thị lực và thính giác. Bà được xem là một biểu tượng của sự kiên cường và nghị lực phi thường, đã và đang truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.



Sinh ngày 27 tháng 6 năm 1880 tại Tuscumbia, Alabama, khi mới chào đời, Helen là một đứa bé thông minh, nhanh biết nói và biết đi. Sự phát triển của Helen diễn ra vô cùng bình thường cho đến khi cô bé được 19 tháng tuổi thì phát hiện mắc bệnh viêm màng não. Trong một lần sốt cao, căn bệnh tai quái này đã cướp đi khả năng nghe và nhìn của cô. Từ đó gia đình cô bé đành đau khổ nhìn cô con gái nhỏ lớn lên khiếm thính, khiếm thị mà không thể làm gì khác. Càng lớn, những khiếm khuyết đó bắt đầu khiến Helen gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết mọi thứ xung quanh, cô bé vốn ngoan ngoãn vì thế mà ngày càng cáu bẩn, ngang bướng.   


Qua tìm hiểu, Helen được mẹ đưa đi học ở trường Perkins - một ngôi trường dành cho người mù, tọa lạc tại Nam Boston, tiểu bang Massachusetts. Tại đây Helen gặp gỡ cô Anne Sullivan, người mà sau này trở thành tri kỷ bên cạnh bà suốt 49 năm.



Lần đầu tiếp xúc với cô học trò bướng bỉnh, cô giáo Anne đã gặp nhiều khó khăn, cô bé ra sức chống đối, thậm chí là đấm, đánh, xô Anne té gãy một cái răng. Cô Anne cũng là một người từng khiếm thị, vì vậy cô rất hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của Helen, cô từ tốn và mong muốn đưa Helen ra một mái lều tách khỏi gia đình để có không gian học tập riêng biệt. Sự kiên nhẫn và thấu hiểu của Anne đã khiến Helen cảm phục, cô bé cởi mở và bắt đầu tiếp nhận sự giảng dạy từ Anne. Bằng cách cho Helen sờ lên đồ vật và viết chữ đó lên lòng bàn tay, cô giáo Anne đã mở ra một thế giới mới đầy sắc màu cho cô bé khiếm khuyết. Helen bắt đầu cảm thấy tò mò và muốn biết nhiều hơn về mọi thứ. 


Năm 1900, Helen thi vào trường Radcliffe College (khu mở rộng của Đại học Harvard) và học tài liệu chữ nổi dành cho người mù. Helen là nữ sinh chăm chỉ, bên cạnh những môn học bắt buộc, bà còn học thêm nhiều ngoại ngữ gồm tiếng Pháp và tiếng Đức, Helen dành hầu hết thời gian cho việc học tới mức các đầu ngón tay rướm máu. Lúc này, cô giáo Anne vẫn bên cạnh và là người hỗ trợ diễn dịch bài giảng và giáo trình cho Helen.


Bốn năm sau đó, vào tháng 6/1904, Helen Keller trở thành người khiếm thính, khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp đại học. Hai năm sau tốt nghiệp, Helen bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cho cộng đồng người mù và đi thuyết giảng lưu động trên 39 quốc gia trên thế giới. Nhờ những bài thuyết giảng của mình, Helen đã vực dậy tinh thần và niềm tin vào cuộc sống cho những người cũng đang chịu bất hạnh khiếm khuyết như bà. Chẳng bao lâu sau, Helen trở nên nổi tiếng và được nhiều người yêu mến.



Năm 1915, Helen Keller đồng sáng lập nên tổ chức Helen Keller International đấu tranh vì quyền của người mù và người suy dinh dưỡng. Tổ chức này nhanh chóng phát triển trên toàn thế giới, đến nay vẫn còn hoạt động và Việt Nam cũng là một thành viên.



Năm 1920, Keller tiếp tục hỗ trợ thành lập Hiệp hội các quyền tự do dân sự Mỹ, vận động cho quyền bầu cử của người phụ nữ, kiểm soát sinh đẻ… Suốt cuộc đời mình Helen Keller đã viết 12 quyển sách và nhiều bài báo, trong đó “The story of my life” và “Light in my darkness” là 2 tác phẩm nổi tiếng nhất. Riêng tác phẩm “The story of my life” quyển tự truyện về cuộc đời bà đã được dịch ra 50 thứ tiếng phát hành khắp nơi trên thế giới và đã được chuyển thể thành phim.

Comments

Popular posts from this blog

Vui hát Giáng Sinh!

Vui hát Giáng sinh (Video & Ảnh lớp)

Xây dựng cách học tiếng Trung hiệu quả: Học đúng cách, đúng thời điểm