9 sự thật về bánh sừng bò ở Pháp mà có thể bạn chưa biết!

Từ lâu, Croissant hay bánh sừng bò là một loại bánh nổi tiếng ở Pháp, quyến rũ từ vẻ ngoài vàng óng, giòn rụm, mê hoặc nhờ hương vị béo ngậy, mềm mại và đặc biệt là hương thơm đặc trưng của bơ, sữa. Vậy điều gì làm chiếc bánh này lại nổi tiếng đến vậy? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về 9 sự thật mà có thể bạn chưa biết về bánh sừng bò ở Pháp nhé! 


“Croissant” có nghĩa là hình lưỡi liềm

Có thể bạn chưa biết, từ croissant trong tiếng Pháp có nghĩa là hình lưỡi liềm, biểu tượng cho hình dạng của chiếc bánh đặc biệt, giòn, xốp, thơm ngậy mùi bơ mà không chỉ người Pháp mà những tín đồ mê đắm các loại bánh đều yêu thích. 


Bánh sừng bò không hẳn có xuất xứ hoàn toàn từ Pháp  

Về nguồn gốc của bánh sừng bò phổ biến hiện nay, chưa có kết luận cụ thể về ai là người đã tạo ra nó. Tuy nhiên, chiếc bánh sừng bò ngày nay được tin là sự sáng tạo từ Kipfel hay Kipferl, một loại bánh ăn sáng phổ biến của Áo vào thế kỷ XIII, có hình dạng giống hình lưỡi liềm và có kết cấu và hương vị giống bánh mì. 

Vào năm 1838, August Zang, một sĩ quan, nhà báo và là một doanh nhân người Áo đã mở một tiệm bánh lớn ở Paris tại 92, Rue de Richelieu để kinh doanh những loại bánh đến từ quê hương của ông .

Ông đã tạo ra quảng cáo trên báo và cửa kính trong suốt nhìn giúp cho tiệm bánh thu hút rất nhiều người giàu có tại Paris đến thử. Những chiếc bánh ở đây xốp hơn và ít khô hơn  nhờ vào việc được nướng trong lò hấp nướng đối lưu - chiếc lò nướng sau nay trở nên phổ biến trong các tiệm bánh ở Pháp. Sau đó, vào năm 1948, sau mười năm kinh doanh trên đất Pháp, August Zang trở về Áo để thành lập Die Press, một tờ báo vẫn tồn tại tới ngày nay. Chỉ với 10 năm, ông đã để lại dấu ấn khó phai mờ không chỉ trong lòng người Pháp mà còn trong phương pháp nướng bánh của nền ẩm thực Pháp. Bên cạnh đó, thành công của ông còn nằm ở việc phổ biến các loại bánh của quê hương ông, tạo ra một thi trường đầy tiềm năng cho các tiệm bánh tại Paris cạnh tranh về bánh Kipfel của Áo và dần dần tên gọi Croissant được sử dụng rộng rãi hơn do hình dáng của bánh giống hình lưỡi liềm. Hơn nữa, nhờ sự kế thừa từ công thức làm ra Kipfer, bánh Croissant hiện đại đã được cải tiến, với kết cấu gồm nhiều lớp, vỏ bánh giòn và xốp, mang hương vị béo ngậy đặc trưng của bơ.  


Bột ngàn lớp không giống bột bánh sừng bò

Trên thực tế, sự nhầm lẫn giữa bột ngàn lớp và bánh Croissant khá phổ biến do cả hai đều được làm nên với kết cấu các lớp xếp lên nhau. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng nằm ở nguyên liệu. Bột ngàn lớp hay Pâte Feuilletée được tạo nên từ bột mì, nước, muối và bơ. Trong khi đó, bột bánh Croissant lại có thêm một số nguyên liệu mà bột ngàn lớp không có: men nở, trứng và sữa, giúp cho hương vị của bánh ngậy hơn và bánh thành phẩm có thể nở to hơn bột ngàn lớp. 


Kỹ thuật tạo lớp - công đoạn kì công nhất để tạo ra những chiếc bánh sừng bò 

Kỹ thuật tạo lớp cho bột bánh (Laminating dough) là một công đoạn giúp cho bánh sừng bò có một lớp vỏ giòn, xốp và các lớp ở bên trong bánh bằng việc gấp bột bánh với các lớp chất béo (thường là bơ hoặc margarine - bơ thực vật) một vài lần trước khi cán bột và cắt bột thành các dải dài hình tam giác. Khi bột bánh đã tạo lớp được đem đi nướng trong lò ở nhiệt độ cao, chất lỏng từ các lớp chất béo bốc hơi và định hình những lớp riêng biệt chồng lên nhau trong chiếc bánh thành phẩm. 


Số lớp trong một chiếc Croissant được tính dựa vào số lần gập và cán bột bánh của người thợ làm bánh trước khi đi vào khâu tạo hình. Nhìn chung, bột bánh sẽ được gập thành 3 lớp trước khi được cán mỏng. Sau đó, người thợ sẽ đem phần bột bánh đã gập cất vào ngăn lạnh để bột nghỉ trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 30 phút) và quá trình này sẽ lặp lại cho tới khi người thợ cảm thấy hài lòng với số lớp mà họ đã tạo được. Do đó, công đoạn tạo lớp này rất kì công vì người thợ phải hết sức chú ý tới số lần gập, cán bột để không cán bột quá mỏng và lực cán quá mạnh, dễ khiến lớp bơ và bột lẫn vào nhau cũng như thời gian bột bánh được nghỉ trong nhiệt độ thấp đủ lâu để không làm chảy lớp bơ giữa các lớp bột bánh. 


Có nhiều loại bánh khác được sáng tạo từ bánh sừng bò của Pháp 

Pain au chocolat là một phiên bản khác của bánh Croissant, mang hình chữ nhật và có nhân bên trong là sô cô la ngọt thơm. 


Croissant aux Amandes - những chiếc Croissant phủ hạnh nhân từng được sử dụng như một cách để các tiệm bánh bán tiếp những chiếc bánh sừng bò từ ngày hôm trước. Chúng có nhân là kem hạnh nhân, được phủ một lớp hạnh nhân thái lát mỏng ở trên trước khi được đi đem nướng lại để phần nhân kem được cố định và những lát hạnh nhân trang trí ở trên được vàng giòn. 


Un Escargot hay Pain aux raisins: Loại bánh này sử dụng chung bột bánh so với bánh Croissant cùng với nho khô và phần nhân bánh thường là kem hạnh nhân hoặc kem trứng (custard), từ đó tạo nên vị chua dịu kết hợp với kem béo ngọt ngào, quả là một hương vị khó mà có thể cưỡng lại! 

Kouign-Amann: Đây là một loại bánh đến từ vùng Brittany của Pháp. Với tên gọi mang nghĩa đen là “bánh bơ” dịch từ tiếng địa phương Breton (Kouign là bánh, Amann là bơ), chiếc bánh mang hương vị béo ngậy đặc trưng của bơ cùng với lớp đường caramel ngọt ngào ở bên ngoài, đem tới một trải nghiệm khó quên trong lòng người thưởng thức nó. 


Ngày quốc tế bánh sừng bò - International Croissant Day

Ngày quốc tế bánh sừng bò hay International Croissant Day sẽ được ăn mừng vào ngày 30 tháng 1 hằng năm. Đây không chỉ là một dịp để các tín đồ nghiện Croissant ôn lại câu chuyện về lịch sử ra đời của những chiếc bánh thơm ngon mà còn dịp để họ bày tỏ sự yêu mến của mình đối với loại bánh đặc biệt ngày. Vào dịp này, các tiệm bánh sẽ tấp nập người mua bánh sừng bò với những ưu đãi hấp dẫn. Hơn nữa, nhiều người còn tự tay vào bếp làm ra những chiếc bánh sừng bò để hưởng ứng Ngày quốc tế bánh sừng bò! 


Thưởng thức bánh sừng bò theo kiểu người Pháp 

Trên thực tế, cách để thưởng thức bánh sừng bò tùy thuộc vào người thưởng thức nó và đó là lí do tại sao không có giới hạn trong việc phải ăn bánh sừng bò ra sao thì mới chuẩn Pháp. Tuy nhiên, một trong những cách phổ biến mà người Pháp thưởng thức bánh sừng bò đó là chấm nó vào một loại thức uống nóng như cà phê hay sô cô la nóng hoặc thưởng thức nó như chính nó để cảm nhận toàn vẹn hương vị của chiếc bánh mới nướng thơm nức mũi. 


Bánh sừng bò công nghiệp và bánh sừng bò thủ công 

Nhiều du khách khi tới Pháp thường nghĩ rằng chỉ cần bạn bước vào một tiệm bánh là có thể mua được một chiếc bánh sừng bò có chất lượng hảo hạng, được làm thủ công và bán tại chỗ. Thật đáng tiếc rằng điều này có lẽ rất đúng nếu nó xảy ra trước những năm 70, khi cuộc công nghiệp hóa thực phẩm chưa diễn ra, còn ở hiện tại, sự thật lại khác xa với những lời rỉ tai nhau của khách du lịch.  

Khoảng hơn một nửa tiệm bánh tại Pháp mua bánh sừng bò công nghiệp để nướng tại tiệm và bán cho khách hàng. Loại bánh sừng bò này đã được hoàn thiện và cấp đông, khi muốn sử dụng chỉ cần nướng lên và ta đã có thành phẩm là những chiếc bánh sừng bò thơm ngon. Do đó, bằng việc sử dụng bánh sừng bò được sản xuất công nghiệp, tiệm bánh có thể tiết kiệm chi phí trong khâu nguyên vật liệu cũng như nhân lực. 


Vậy làm sao để nhận biết đâu là một tiệm bánh thủ công thật sự? Hãy tìm những tiệm bánh có dán nhãn Boulanger de France! Vào năm 2020, Confédération Nationale de la Boulangerie-Pâtisserie Française đã tạo ra một nhãn hiệu mới "Boulanger de France” để phân biệt bánh sừng bò thủ công với bánh sừng bò đông lạnh công nghiệp được bán bởi hơn một nửa các tiệm bánh và cửa hàng bánh ngọt. Các tiệm bánh phải đăng ký chứng nhận và đáp ứng các điều kiện tiên quyết cụ thể để đủ điều kiện, phải cam kết sản xuất những loại bánh trong danh mục yêu cầu tươi và bán tại chỗ cũng như tuân thủ theo quy định ban hành về những phương pháp làm bánh và nguyên liệu được sử dụng trong bánh. 


Cách gọi bánh sừng bò ở Pháp

Điều đầu tiên trước khi học về cách gọi một chiếc bánh sừng bò, ta phải hiểu rằng văn hóa Pháp đề cao sự lịch, điều đó có nghĩa là bất kể bạn bước vào hay đi ra khỏi một tiệm bánh, bạn phải chào hỏi. Do vậy, hãy sử dụng những cụm sau đây: 

  • Bonjour! - Xin chào! 
  • S’il vous plaît! - Làm ơn! 
  • Merci - Cảm ơn!
  • Au revoir et bonne journée/bonne soirée! - Tạm biệt và chúc bạn một ngày/một buổi tối tốt lành! 

Sau đó, bạn có thể sử dụng những mẫu câu sau để gọi bánh: 

  • Un croissant, s’il vous plaît./ Je voudrais un croissant s’il vous plaît. - Làm ơn cho tôi một chiếc bánh sừng bò! 
  • Je vais prendre deux croissants s’il vous plaît./Il me faudrait deux croissants, s’il vous plaît  - Làm ơn cho tôi hai chiếc bánh sừng bò! 

Khi nhân viên hỏi thêm liệu bạn có muốn gọi thêm loại bánh nào nữa không, bạn có thể sử dụng mẫu câu sau để đáp lại: 

  • Ce sera tout, merci - Tôi đã có đủ thứ tôi cần, cảm ơn bạn!
  • Avec ceci, un pain au chocolat/ Je prends aussi un pain au chocolat - Tôi lấy thêm một chiếc pain au chocolat nữa!

Hơn nữa, luôn luôn nhớ về phép lịch sự trong bất cứ câu trò chuyện nào bằng tiếng Pháp và hãy dùng những mẫu câu sau để cảm ơn và tạm biệt người bán hàng trước khi ra về: 

  • Merci beaucoup! - Xin cảm ơn rất nhiều! 
  • Bonne journée/Bonne soirée!  - Chúc bạn một ngày/buổi tuối tốt lành! 
  • Au revoir! - Tạm biệt! 


Để kết lại, mong rằng thông qua bài viết này, chúng mình có thể giúp bạn tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về Croissant - chiếc bánh sừng bò nổi tiếng từ Pháp. Nếu bạn có thắc mắc hay khó khăn trong việc học tiếng Pháp, hãy để lại cho chúng mình một lời nhắn ở phần bình luận và đừng quên đăng ký newsletter của CLB MVA Polyglot tại đây nhé!

Mille fois merci et à bientôt!

Comments

Popular posts from this blog

Vui hát Giáng Sinh!

Vui hát Giáng sinh (Video & Ảnh lớp)

Tổng tập Nguyệt san năm 2023!