Helen Keller - Một cuộc đời rực rỡ
Huyền thoại về nữ nhà văn khiếm thị, khiếm thính Helen Keller
Khi chưa đầy 2 tuổi, Helen Keller ốm nặng và sau đó mất thị giác cùng thính giác. Sự tức giận trước số phận nghiệt ngã đã thúc đẩy người phụ nữ Mỹ “lội ngược dòng” với một cuộc đời hoạt động xã hội phi thường.
Năm gần 7 tuổi, cô bé Helen đã trải qua một khoảnh khắc kinh hãi nhưng chính khoảnh khắc đó đã giải thoát cho cô. Hôm ấy, cô giáo Anne Sullivan cho dòng nước lạnh buốt từ vòi nước chảy xuống tay Helen và đồng thời dùng ngón tay viết các chữ cái của từ “nước” (W-A-T-E-R) lên lòng bàn tay cô bé. Sau này Helen kể lại, trong giây phút đó, một thế giới mới đã mở ra với cô, một thế giới mà trong đó mỗi đồ vật đều có một cái tên, người ta có thể gọi được.
Hôm đó, cô bé đã hồi hộp cố gắng bắt chước các động tác của cô giáo. Cô bé ngồi xuống đất, dùng tay chạm vào đất và hỏi khái niệm đó. Đến cuối ngày, cô bé đã học được nhiều từ ngữ bằng “chữ cái ngón tay”, trong đó có các từ “cô giáo”, “mẹ” và “bố”.
Đó là điểm khởi đầu của một con đường có một không hai, đưa người phụ nữ khiếm thị và khiếm thính này trở thành một trong những nữ nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ. Helen còn là một nhà hoạt động chính trị tích cực cho những người người khiếm thị và khiếm thính, một nữ chiến sĩ đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ và chống chủ nghĩa phát xít.
Cơn giận dữ của đứa trẻ “đi từ ánh sáng vào bóng tối”
Helen Keller sinh năm 1880 tại Tuscumbia, bang Alabama, Mỹ. Bố cô là đại úy trong quân đội liên bang, còn ông nội cô là người Thụy Sĩ, đến sinh cơ lập nghiệp ở Maryland.
Gia đình Helen là một gia đình khá giả, có đầu bếp riêng và người giúp việc trong nhà. Helen là một cô bé tươi tắn, khỏe mạnh và hiếu động. Khi Helen mới 19 tháng tuổi, cô đột nhiên bị sốt cao. Bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm màng não và không biết liệu cô bé có qua khỏi không. Ít ngày sau, cô bé hạ sốt và cả nhà đã rất mừng nhưng không ai lường trước được rằng, từ nay cô bé sẽ không bao giờ nhìn và nghe được nữa.
“Thật đột ngột đến mức khủng khiếp, tôi đi từ ánh sáng vào bóng tối và bị biến thành một bóng ma. Đối với tôi, tất cả trở nên rời rạc, không liên kết với nhau”, Helen đã mô tả sự biến đổi kinh khủng đến cùng cực đó trong cuộc đời. Cô bé tức giận và thường lên những cơn giận dữ. Helen biết mình muốn gì nhưng không thể nói lên được: “Tôi mấp máy môi và khua tay, khua chân nhưng vô vọng, vì không ai hiểu nổi. Điều đó làm tôi nổi điên, giậm chân đùng đùng, cho đến khi kiệt sức”, Helen nhớ lại.
Người phụ nữ khiếm thị, khiếm thính đầu tiên tốt nghiệp đại học Mỹ
Mẹ của Helen là một người phụ nữ rất hiểu biết. Bà liên hệ với Viện khiếm thị Perkins để thu xếp việc giúp đỡ con bà. Viện Perkins là nơi đào tạo giáo viên cho người khiếm thị. Tháng 3/1887 bố mẹ Helen nhận cô giáo Anne Sullivan 21 tuổi về nhà. Chính cô giáo này đã dạy Helen cách giao tiếp bằng chữ cái ngón tay. Ngoài ra Helen còn học chữ nổi Braille. Hai người phụ nữ này đã giữ quan hệ khăng khít với nhau cho đến khi cô giáo Sullivan qua đời năm 1936. Sau này, Helen Keller đã gọi ngày cô giáo của mình đến nhà là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời cô.
Từ năm 1900, Helen Keller theo học tại trường Đại học Radcliffe. Bà còn học cả tiếng Đức, tiếng Pháp và năm 1904 tốt nghiệp với bằng cử nhân loại ưu. Helen Keller là người phụ nữ khiếm thị, khiếm thính đầu tiên tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Trong suốt 4 năm học đại học, Helen đã để cô giáo Anne Sullivan “viết” nội dung từng bài giảng vào lòng bàn tay mình!
Ngay khi còn học đại học, Helen đã viết quyển sách đầu tiên của mình, đó là một quyển tự truyện. Sau đó cô đã sáng tác, công bố nhiều bài viết, bài nói và sách. Vì bản thân tác giả là người khiếm thị, khiếm thính, nên công chúng rất quan tâm đến những gì Helen nói.
Một cuộc đời rực rỡ
Helen Keller đã tích cực hoạt động trong suốt 40 năm cho một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Bà là một nhân vật cực kỳ quan trọng, vì bà đã làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật, đặc biệt đối với những người khiếm thị và khiếm thính.
Bà đã tận dụng sự chú ý của xã hội với chủ đề này, để xử lý những chủ đề chính trị và xã hội khác, như sự thiệt thòi của phụ nữ, kế hoạch hóa gia đình và những chủ đề khác nữa. Bộ lưu trữ về Helen Keller hiện nay lưu giữ hơn 470 bài nói và bài viết của bà.
Bằng những bài nói và bài viết đó bà đã đấu tranh cho quyền lợi của người da màu, nghiên cứu sự bùng phát của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, thậm chí sau này cả về năng lượng hạt nhân. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Helen đã đi rất nhiều nơi, thuyết trình tại gần 40 nước. Năm 1955, khi đã 75 tuổi, bà vẫn còn đến châu Á năm tháng để quảng bá cho những mục tiêu của mình.
Mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc tiếp xúc của mình với những nhân vật nổi tiếng như đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt hoặc nhà phát minh đã đưa điện thoại vào xã hội Alexander Graham Bell, nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ 20 Albert Einstein hoặc nhà đấu tranh cho nữ quyền nổi tiếng Emma Goldman, Tổng thống John F. Kennedy hoặc ông tổ của tập đoàn xe hơi Ford Henry Ford vv, đều được Helen Keller tận dụng để thu hút sự chú ý đến những người khiếm thị.
Cuộc đời khác thường của bà đã được thể hiện trong nhiều bộ phim truyền hình và phim nhựa. Sự nỗ lực không nghỉ của bà đã được tôn vinh bằng nhiều bằng tiến sĩ danh dự, trong đó có bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học Harvard. Ngày 01/6/1968, Helen Keller qua đời sau khi bị tai biến 8 năm trước. Việc bà được mai táng trong Washington National Cathedral (Thánh đường quốc gia Washington) thể hiện ảnh hưởng của bà lên xã hội Mỹ lớn lao như thế nào.
Helen Keller là tác giả của 12 cuốn sách và nhiều bài báo. Năm 1960, ở tuổi 80, bà còn xuất bản cuốn sách Light in My Darkness trước khi qua đời vào năm 1968, ở tuổi 88. Năm 1999, Helen Keller được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. Theo bà, “Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công danh thành tựu”.
“Chúng ta sẽ chẳng thực sự hạnh phúc cho đến khi làm cuộc đời của người khác trở nên tươi sáng hơn” – Đây chính là một bài học lớn mà Helen Keller đã để lại.
Helen Keller là minh chứng cho việc cuộc đời có nghĩa hay không là do bạn quyết định chứ không phải những khiếm khuyết của bản thân.
Tự truyện "Câu chuyện đời tôi"
Để hiểu thêm về bà và cuộc đời của bà, các bạn có thể tìm đọc một số sách đã được dịch và xuất bản sang tiếng Việt, chẳng hạn như "Câu chuyện đời tôi" - dịch giả Nguyễn Thành Nhân, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ; "Quý cô nóng nảy" - dịch giả Thu Giang, nhà xuất bản Dân trí; "Bà đại sứ" - dịch giả Nguyễn Thanh Ngọc, nhà xuất bản Phụ nữ.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin gửi tới các bạn một đoạn trong bản dịch của cố dịch giả Nguyễn Thành Nhân.
Cho tới thời điểm bị căn bệnh tước đi thị lực và thính lực, tôi sống trong một ngôi nhà bé xíu gồm một căn phòng rộng hình vuông và một căn phòng nhỏ dành cho những người giúp việc. Tập quán ở miền Nam là cất một ngôi nhà nhỏ gần ngôi nhà chính như là một phần phụ để sử dụng những khi cần thiết. Cha tôi đã xây một cái nhà như thế sau Nội chiến, và khi ông cưới mẹ tôi, họ chuyển sang sống ở đó. Nó bị che phủ hoàn toàn bởi những cây nho, hồng dây và kim ngân hoa. Nhìn từ ngoài vườn, trông nó giống như một lùm cây. Cái cổng vòm nhỏ bị che khuất khỏi tầm mắt bởi một lớp hồng vàng và dây khúc khắc miền Nam. Nó là nơi tới lui thăm viếng ưa thích của lũ chim ruồi và lũ ong.
Tổng hợp từ các nguồn:
https://hoilhpn.org.vn/
https://www.elle.vn/
https://nhanduset.blogspot.com/
Comments
Post a Comment